Tập tin Hương Lam số 36 - Kỷ niệm đức Phật thành đạo PL.2564 (Thục Thời)
Created on Sunday, 01 November 2020 15:31KỶ NIỆM ĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO
GỢI NHẮC CHÚNG TA HÃY TỰ TIN VÀO BẢN THÂN
THỤC THỜI
Kỷ niệm Đức Phật Thành Đạo, gợi nhắc chúng ta hãy tin rằng: Chúng ta cũng có tìm năng để trở thành một vị Phật sau này, với điều kiện chúng ta phải kích hoạt tìm năng, giống như Đức Phật đã từng làm. Đức Phật không chờ đợi, cũng không mong chờ người khác làm điều gì cho mình. Ngài đã sử dụng tự lực, sức lực, tâm trí của mình để tìm hiểu, để chứng nghiệm, tự vạch ra con đường tu tập, và rồi đã nhận ra sự thật của mọi đời sống trên cõi Ta Bà này. Ngài thấu triệt nguyên lý duyên khởi và bằng tư duy xuất ly khỏi những ảo kiến, hữu ngã, vô minh. Ngài đã thành tựu Đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội Bồ Đề. Như thế, nhưng Đức Phật lại tuyên bố rằng:” Thành tựu quả vị Phật không phải chỉ riêng Ngài, mà đối với những ai đi theo con đường chân chánh mà Ngài đã đi, đều có thể sẽ được Giác ngộ như Ngài”.
Chúng ta suy nghĩ về hình ảnh Đức Phật Thành Đạo, giúp chúng ta cải thiện thân tâm, bằng cách vững tin vào khả năng chuyển mê khai ngộ của chính mình, và không ngừng tinh tấn, nổ lực trên bước đường phụng sự Đạo Pháp, phục vụ tổ chức, cố gắng tu tập, bỏ các việc ác, làm các điều lành, hướng đời mình đến Chân, Thiện, Mỹ.
Trên hành trình tiến về Bảo Sở, nếu chúng ta không có niềm tin vững chải, chắc chắn chúng ta sẽ bị ma quân đánh bại. Mặt khác, muốn nổ lực thực hành đúng theo con đường Đức Phật dạy, trước hết ta phải thực tập chánh niệm, ta phải biết ta… Khi ta tinh tấn, biết ta đang tinh tấn, khi ta giải đãi, biết ta đang giải đãi, để kịp thời chuyển tâm theo hướng tích cực. đó là điều kiện cần thiết để thành công, chúng ta phải cố gắng tu tập, biết rèn luyện tâm thái tích cực của mình, vì tất cả mọi sự trong cuộc đời của một con người, đều bắt nguồn từ tâm của người ấy. Thực sự tâm thái của một con người, có thể làm thay đổi vận mệnh của họ.” Mặt dù ta không thể thay đổi hướng gió, nhưng ta có thể điều chỉnh cánh buồm, để thuyền ta đến nơi đã định.” Cho nên tâm thái tích cực là tài sản quý báu nhất của con người. Song song đó, con người cũng cần có một thân thể khoẻ mạnh, dựa trên tinh thần ý chí khoẻ mạnh, nhờ đó có thể làm động lực, giúp ta vượt qua và chiến thắng mọi sự ràng buộc của cuộc đời, giúp ta rũ bỏ mọi sự sợ hãi và những thứ xấu xa, ích kỷ, ngã mạn... Vì nó là những chướng ngại thường bám chặt ta, để trói buộc và đè nặng cuộc sống của ta.
Đời người có rất nhiều sự sợ hãi, chúng ta cần cố gắng tu tập để thoát ly khỏi những sự sợ hãi: Như sợ nghèo khổ, sợ nợ nần, bệnh tật, sợ mất đi quyền lực, danh vọng, tài sản… Theo giáo lý Đạo Phật, sống trên đời nên tuỳ thuận nhân duyên, nhân duyên tốt thì kết quả sẽ tốt, nhân duyên xấu thì kết quả xấu, đừng cưỡng cầu, sợ hãi, vì những nhân duyên ấy đều do chính ta tạo ra. Sợ mất thứ này, sợ mất cái kia, tất cả đều xuất phát từ lòng tham…Mà lòng tham cầu là một nỗi khổ. Vì khi cầu được là hoan hỷ, rồi mất mác lại sầu muộn. Cứ hoan hỷ rồi sầu muộn, sầu muộn rồi hoan hỷ, ngày qua tháng lại, được mất, hơn thua. Suốt cả cuộc đời cứ mãi loanh quanh ở trong vòng so đo, nhơn ngã mà tạo ra không biết bao nhiêu nỗi khổ, niềm đau.
Trong thế giới ngày nay, con người rất dễ bị lôi cuốn vào những tham muốn vô độ về vật chất. Đức Phật khuyên chúng ta nên biết hài lòng với những gì ta đang có, biết sống tri túc, không so sánh, không dính mắc, để có một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản, an vui.
Thực chất, trên cõi đời không có một vật gì tồn tại mãi, tất cả đều vô thường, và thay đổi liên tục trong từng sát na, khoảnh khắc. Chúng ta không thể biết trước kết quả cuối cùng của một sự thay đổi là gì, và kết quả của những sự thay đổi ấy thường không bao giờ như ý muốn và sự mong đợi của ta . Vì vậy ta nên học cách đối diện với thực tế và tuỳ thuận vào kết quả, tuỳ thuận vào hoàn cảnh của sự thay đổi tốt hay xấu, thay vì ta tránh né hay chống lại nó. Vì đôi khi, những kết quả có vẻ không tốt, nó xảy ra cho ta trong ngày hôm nay, làm ta sầu bi phiền muộn. Nhưng ta cố gắng chịu đựng trong một thời gian sau, hoá ra nó lại là những gì cần thiết, giúp ta trên bước đường vạn dặm tiếp theo của cuộc đời.
Đức Phật rất coi trọng con người và đề cao phẩm giá, trí tuệ của con người. Ngài đặt niềm tin vào con người, Ngài nói: Bất cứ người nào, tránh các điều ác, làm các việc lành, nổ lực tu tập bản thân, gội rửa nội tâm, để trở thành con người hoàn thiện về đức hạnh. Con người ấy sẽ trở thành Bậc Thánh. Hay Ngài nói:” Ta là Phật đã Thành, chúng sanh là Phật sẽ Thành”.
Nhân kỷ niệm ngày Phật Thành Đạo- PL. 2564 Canh Tý- DL. 2020; Kính chúc các Anh, Chị Huynh trưởng va Đoàn sinh GĐPT an vui và thành đạt mọi công tác Phật sự. Chúng ta hãy tư duy về sự kiện Thành Đạo của Đức Phật, để tự tin vào bản thân, tin vào những lời dạy của Đức Phật, cải thiện thân tâm, khai thác khả năng tiềm tàng của chính mình, giữ vững niềm tin và nổ lực, tinh tấn hơn nữa trên bước đường phụng sự Đạo Pháp và hướng đến giác ngộ, giải thoát.
NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT, MA HA TÁT
Các tin khác:
- Tập tin Hương Lam số 3631/10/2020 00:59
- Tập tin Hương Lam số 35- Bàn về Văn nghệ lửa trại12/09/2020 10:32
- Tập tin Hương Lam số 35- câu hỏi tu học bậc Trì 12/09/2020 10:27
- Tập tin Hương Lam số 35 -Câu hỏi HĐTN kỳ này12/09/2020 10:25
- Tập tin Hương Lam số 35- TỔ CHỨC , ĐIỀU HÀNH , QUẢN LÝ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ TỈNH12/09/2020 10:21